Long Phú là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống với 8.725 hộ, chiếm tỷ lệ 30,03% dân số. Ông Thạch Thương, ngụ ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú chia sẻ: “Trước đây, trong lễ cưới, lễ tang ở địa phương có nhiều nghi thức. Các lễ hội thường kéo dài, người dân dành nhiều thời gian vui chơi … Từ đó, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như trộm, cướp. Đến nay, nhiều lễ hội giảm nghi thức không cần thiết. Nhờ vậy, tội phạm, tệ nạn xã hội hàng năm giảm so với trước”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Biết, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Long Phú, hầu hết người dân khi tổ chức lễ cưới đều giảm một nghi thức, huyện không còn tình trạng thách cưới, ép hôn, tảo hôn. Về việc tang, các gia đình có người thân qua đời đến Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn làm thủ tục khai tử việc mai táng đa số được thực hiện chu đáo, không ảnh hưởng đến môi trường. Trên địa bàn huyện xây dựng được 08 lò hỏa táng hợp vệ sinh tại 04 chùa Khmer và khu dân cư có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Chú thích ảnh: Thị trấn Long Phú phấn đấu đạt chuẩn văn minh đô thị
Để xây dựng nếp sống văn minh, từng bước hình thành phong tục, tập quán tiến bộ, lành mạnh và loại bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; đồng thời, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Long Phú thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức Hội nghị triển khai, sinh hoạt tổ Nhân dân tự quản; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tuyên truyền thông qua băng rôn, áp phích, khẩu hiệu; duy trì hoạt động tuyên truyền của đội thông tin lưu động huyện, phối hợp tổ chức hội thi văn nghệ gia đình, văn hóa tiêu biểu, tìm hiểu kiến thức về gia đình … Ông Liêng Khanh, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh cho biết: “Trước đây, nhà tôi chưa có nhà vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh; chưa làm hàng rào và cột cờ. Sau khi được đoàn công tác của xã, Ban lãnh đạo ấp tuyên truyền thực hiện 15 phần việc của hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới, tôi thực hiện. Tôi hiểu những việc làm đó mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội nên tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các phong trào do ấp, xã phát động, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Theo đồng chí Danh Hoàng Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Long Phú, huyện xác định: Xây dựng đời sống văn hóa là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng năm, Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ban hành Nghị quyết, xây dựng Kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, ký cam kết, đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự, xây dựng quy ước ấp văn hóa cơ bản phù hợp với tình hình thực tế.
Huyện Long Phú phấn đấu đến năm 2025 có 09/09 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Long Phú và thị trấn Đại Ngãi đạt chuẩn đô thị văn minh, hàng năm thực hiện đăng ký các danh hiệu văn hóa đạt từ 98% trở lên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Thực hiện: Sóc Ca.